6 LỖI THƯỜNG GẶP KHI PHÁT ÂM TIẾNG ANH

Đứng trước con đường học tiếng Anh, nhất là trong khía cạnh Tiếng anh giao tiếp, chúng ta thường có xu hướng nóng vội, muốn nhảy cóc và hay bỏ qua những điều căn bản. Ví dụ như là: bạn thường thích được nói về những chủ đề “cao siêu” và mang tính “vĩ mô” với người nước ngoài. Trong khi bỏ qua sự thật đơn giản là ngay cả khi giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt chúng ta cũng thường muốn nói về bản thân mình, về những thứ mình biết và gần gũi. Bạn cũng thường quá chú tâm đến vấn đề ngữ pháp khi nói chuyện. Khi mà người nước ngoài còn chưa kịp gặp, câu xin chào còn chưa kịp nói thì đã vội vàng lo sợ câu tiếp theo mình nói sai ngữ pháp rồi. 

Thực ra, đối với giao tiếp, ngữ pháp tuy có quan trọng nhưng không phải là một gánh nặng, mà gánh nặng “chính thống” là ở cách bạn nói từ “hello” có đúng không kìa! Bạn có công nhận không, rằng kể cả khi ngữ pháp dù có chuẩn chỉnh đến mấy, mà lúc nói ra ngay cả từ vựng cũng không đọc đúng được, thì chuyện “tôi và Tây” chia tay nhau trong câu “goodbye, see you again!” đầy ngại ngùng và gượng ép sẽ trở thành điều chẳng ngạc nhiên chút nào?!

baby_cute

 

Vậy nên phải học phát âm chuẩn tiếng Anh trước!

Có một điều khá đáng tiếc, rằng ở trong trường học, chúng ta được đầu tư và rèn giũa rất nhiều về mặt ngữ pháp. Trong khi đó thì phát âm lại không có được sự chú trọng ngang bằng. Bằng chứng là trong bất cứ đề thi nào từ cấp lớp đến cấp đại học, luôn luôn chỉ có từ 1 cho đến 2 bài gồm phát âm và đánh trọng âm, chiếm một số điểm rất nhỏ trong đề thi và cũng mang tính ăn điểm “hên xui” nhất trong mắt các bạn học sinh, thậm chí, đây còn là dạng bài “khoanh bừa” và “bị hắt hủi” mỗi khi ôn tập. Chính tâm lý đánh giá thấp tầm quan trọng của phát âm chuẩn suốt nhiều năm liền trên ghế nhà trường như thế, đã dẫn tới những lỗi phát âm sai mang tầm phổ biến và khó sửa đối với đa phần các bạn học tiếng Anh hiện nay.

Thu thập từ các bạn trợ giảng và giáo viên, Wow đã rút ra được những lỗi sai phát âm phổ biến nhất mà đa phần các bạn học viên mắc phải, chúng ta hãy cùng thử xem mình có bắt gặp lỗi nào của bản thân dưới đây không nhé:

1.     Lỗi không phát âm âm đuôi (ending sounds)   
Đây là lỗi mà 100 người học tiếng anh thì sẽ phải có 80 đến 90 người mắc phải, do thói quen nói tiếng Việt không có âm đuôi ăn sâu cho nên khi đọc chúng ta cũng thường lướt qua luôn việc phải phát âm âm đuôi của từ. Và tác hại do lỗi này gây ra là người nghe sẽ hiểu lầm luôn ý của chúng ta và xa hơn là dẫn tới “ông nói gà bà nói vịt”.

2.     Hay phát âm /ʃ/ thành /s/

Đối với những âm phát âm /ʃ/ ví dụ như: shop, ship, shadow, shape, fishing, ocean, action, delicious, sugar… thì đa phần mọi người hay đọc thành /s/, điều này cũng làm sai ý nghĩa của từ và gây hiểu lầm cho người đọc.
Ví dụ cụ thể:
Sugar: thường được phát âm thành /`su-gər/, trong khi đúng phải là /`shu- gər/

3.     Lúc cần thì không phát âm âm /s/, lúc không cần thì /s/ ở mọi nơi 
Người đọc thường có xu hướng vô thức thêm âm /s/ vào trong câu với suy nghĩ như vậy nghe sẽ hay hơn và “Tây” hơn, tuy nhiên việc thêm vô tội vạ như vậy lại thường phản tác dụng, khiến cho câu khi nói nghe bị rối và sai nghĩa. Trong khi có những chỗ rất cần thêm /s/ ví dụ như sở hữu cách hoặc /s/ trong danh từ số nhiều thì lại bị bỏ qua và không được để ý tới.
Ví dụ trong câu: she likes eating with cheese thì có nhiều bạn thường bỏ qua luôn âm /s/ trong từ “likes” mà thay vào đó là tự ý thêm vào sau từ she -> “shes like”

4.     Không nhấn trọng âm (stress)       
Là một lỗi phổ biến cũng xuất phát do việc tiếng Việt không có trọng âm và khi nói tiếng Việt thì chúng ta thường đọc từng âm tiết, tuy vậy đối với tiếng Anh lại ngược lại, phần trọng âm là một phần vô cùng quan trọng bởi người nước ngoài thường dựa vào đó để nhận biết từ khóa bạn đang nói. Việc phát âm mà không có trọng âm sẽ càng làm tăng độ “không hiểu nhau” khi giao tiếp trong tiếng Anh.
Ví dụ: export (v) có trọng âm nằm ở âm tiết thứ 2 /ek-`sport/; trong khi đó export (n) có trọng âm nằm ở âm tiết thứ 1 /`ek-sport/

5.     Không có ngữ điệu (intonation)      
Đây không hẳn là một lỗi quá lớn và phổ biến, nó thiên về dạng một vấn đề mà học viên vẫn thường có xu hướng băn khoăn, họ không biết khi nói một câu dài sẽ phải ngắt nghỉ ở chỗ nào và thêm ngữ điệu vào câu như thế nào cho đúng và cho hay. Câu trả lời thường thì là ở việc chúng ta phải chủ động lắng nghe và tập theo. Ở đâu thì có nhiều người nói chuyện có ngữ điệu nhất nhỉ? Câu trả lời là phim dài tập !!!

6.     Ngọng L và N (trở ngại lớn đối với cả tiếng Việt và tiếng Anh)
Xuất phát do đặc trưng vùng miền, việc ngọng 2 âm trên luôn là một hòn đá lớn chắn ngang con đường học tiếng Anh giao tiếp, tỉ dụ như: “Hello” sẽ thành “Henno” và ti tỉ những từ khác cũng sẽ bị “lên thớt” vì nhược điểm này. Và đây cũng là vấn đề cần có nhiều sự quyết tâm để sửa cũng như sự kiên nhẫn tuyệt đối từ những bạn mắc phải, vì bạn sẽ phải luyện từng ngày, từng giờ, và sửa từ trong từng câu nói, nhưng bạn cũng nên nhớ rằng bạn không có một mình, hãy tìm đến những nơi và những người có thể sát cánh bên và giúp đỡ bạn. Có công mài sắt có ngày nên kim!

Học thêm